Danh mục sản phẩm |
0 |
Giỏ hàng |
Hoài Xuân học âm nhạc từ khá sớm. Năm 10 tuổi, chị học đàn organ, đàn piano rồi chuyển sang học cello (violoncelle) tại hệ Sơ Trung, Đại học Nghệ thuật Huế. Năm 2006, sau khi học xong bậc trung học, Hoài Xuân ra Hà Nội học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Năm 2012, chị tốt nghiệp Thạc sĩ loại xuất sắc.
Suốt những năm đại học và cao học, Hoài Xuân học dưới sự hướng dẫn của PGS. TS – Nhà giáo Nhân dân Vũ Hướng. “Trong hơn 40 năm giảng dạy, ít khi tôi có được một học trò như Hoài Xuân. Bằng trí thông minh sẵn có, cùng tinh thần ham học hỏi, miệt mài khổ luyện, cô ấy vượt qua nhiều khó khăn về kỹ thuật để trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết của nghệ thuật biểu diễn vioncelle đỉnh cao”, vị nghệ sĩ ở tuổi tám mươi nhận xét về cô học trò nhỏ.
Không ngẫu nhiên Hoài Xuân lựa chọn những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để làm album đầu tay cho mình. Sinh ra và lớn lên ở Huế – quê hương của Trịnh Công Sơn – âm nhạc Trịnh thấm vào huyết quản Hoài Xuân như một lẽ tự nhiên. Thời sinh viên, nhiều lần đi làm thêm, chị đã trình diễn các ca khúc của Trịnh trên đàn vioncelle và được công chúng tán thưởng.
Nghệ sĩ cello Hoài Xuân
Hoài Xuân nhận thấy các ca khúc của cố nhạc sĩ họ Trịnh thường được thể hiện chủ yếu bằng giọng hát. Sau này, một số nhạc cụ như đàn saxophone, đàn violon, đàn guitar… cũng đã thể hiện thành công âm nhạc của ông, nhưng violoncelle thì chưa có tiền lệ. Trong khi đó, âm sắc trầm ấm, quyến rũ vốn được người phương Tây đánh giá là “giống tiếng người” của vioncelle rất phù hợp để khai thác vẻ đẹp cũng như chiều sâu triết học trong các tình khúc nhạc Trịnh. Từ suy nghĩ và những trải nghiệm thực tế của bản thân, Hoài Xuân quyết định cho ra đời đĩa CD mang tên “Khúc phiêu du một đời” độc tấu tám ca khúc của Trịnh Công Sơn: Tình sầu, Em còn nhớ hay em đã quên, Ru ta ngậm ngùi, Ngẫu nhiên, Một cõi đi về, Sóng về đâu, Tuổi đá buồn, Cát bụi.
Trong đĩa nhạc này, Hoài Xuân độc tấu violoncelle với tiếng đàn đẹp, mượt mà, truyền cảm. Nhạc sĩ Lưu Hà An phối khí phần đệm các ca khúc theo phong cách bán cổ điển – điện tử với nhiều sáng tạo mới mẻ. Nam nhạc sĩ đánh giá album này là “một của lạ” gửi gắm tới những người yêu nhạc Trịnh. Anh cũng cho rằng, Hoài Xuân đã rất dũng cảm khi quyết định thực hiện sản phẩm kén người nghe.
“Việc ra đời CD với các tình khúc trữ tình quen thuộc của Trịnh Công Sơn được trình bày bằng đàn violoncelle với phần đệm của dàn nhạc bán cổ điển là một việc làm hữu ích. Công việc này phổ cập rộng rãi hiểu biết về nhạc cụ phương Tây và không ngừng nâng cao thẩm mỹ thưởng thức âm nhạc của những người yêu âm nhạc”, nghệ sĩ Vũ Hướng tâm đắc.
Nguồn: Tổng hợp