MÔN HỌC

Nghệ sĩ đàn Guitar cổ điển Nguyễn Quang Bình

“Tôi bước xuống để bạn lên chơi đàn theo cách của mình”

Lớn lên ở Trà Vinh, sống ở Sài Gòn, cha mẹ gốc miền Trung, năm 1992, ông sang Mỹ và đi dạy đàn guitar cho tới giờ. Trong chuyến về quê hương lần này, nghệ sĩ đàn guitar Nguyễn Quang Bình muốn khuấy động, lôi kéo thính giả cùng ông tham gia cảm nhận, trao đổi, thậm chí “hiệu đính” tác phẩm âm nhạc cổ điển trong cuộc chơi 60 phút diễn ra tối 18.06 tại phòng trà WE (quận 3 TP.HCM). Hôm nay, cùng với Suối Nhạc Quang Trung, chúng ta hãy tìm hiểu thêm đôi nét về ông nhé.

nghệ sĩ guitar nguyễn quang bình

Có thể thấy ngay người nghệ sĩ đang giảng dạy đàn guitar cổ điển tại trường MECA (Multi-cultural Education and Counseling through the Arts) ở bang Texas nước Mỹ, đang tìm cách phá bỏ công thức kinh viện, nơi âm nhạc cổ điển là một thứ bất khả xâm phạm. Bởi ông không tìm đến thính phòng nhạc viện mà kiếm một phòng trà; không tìm sự sang trọng, rình rang của một buổi hoà nhạc mà giản dị, lặng lẽ trong cách tiến hành một buổi thực hành (workshop) nghệ thuật để thoả mãn nhu cầu đối thoại giữa nghệ sĩ và thính giả.

“Workshop là một hình thức phổ thông người ta đã làm rất lâu ở Mỹ và châu Âu. Trước đây, nó thường diễn ra giữa những người cùng hội nghề như biểu diễn, sáng tác hay giảng dạy. Cách làm này mang tới những lợi ích rất rõ.

Đầu tiên là khán giả sẽ hiểu hơn về tác phẩm, nếu so với lối trình diễn truyền thống là có một MC giới thiệu tên bài, tên tác giả, sau đó người trình diễn lên chơi, rồi chào khán giả. Lối trình diễn cổ điển có lẽ thích hợp với người đã có đủ thông tin, kiến thức, bởi nhạc cổ điển tương đối khó nghe, khó hiểu, mặc dù khi đã nghe được, hiểu được thì mức thưởng thức rất cao.

nghệ sĩ guitar nguyễn quang bình

Hình thức workshop cho phép khán giả có nhiều thông tin hơn, tiếp cận tác phẩm sâu hơn. Khi thực hiện bên Mỹ, tôi nhận thấy trong khán giả có nhiều người biết chơi đàn guitar cổ điển. Đôi khi, khán giả sẽ hoán vị với tôi, tức tôi bước xuống để họ lên chơi theo cách của mình. Có thể họ chơi giỏi hoặc dở, nhưng điều quan trọng là họ chơi được bản nhạc theo cách họ muốn.

Để làm một workshop, nghệ sĩ phải chuẩn bị rất nhiều, khác với một buổi trình diễn truyền thống cốt sao thuộc bài, không để xảy ra lỗi và chơi có hồn. Workshop tuy có tốn thời giờ hơn nếu xét trên số lượng tác phẩm chơi được trong một đêm, nhưng về sự thưởng thức thì kết quả cao hơn”, ông nói.

Khi hỏi rằng quá trình trao đổi và tái tạo một tác phẩm thành nhiều phiên bản rất có thể diễn ra theo hai chiều hướng: tác phẩm một lần nữa tái sinh trong vẻ đẹp mới, nhưng cũng có thể bị phá hỏng, bị tầm thường hoá, ông cho rằng ông không sợ điều thứ hai. Bởi từ rất lâu, ngay trong giáo khoa kinh viện, người ta đã công nhận một tác phẩm đi qua ba lần sáng tác.

Người soạn nhạc là người sáng tác thứ nhất, người biểu diễn chơi với tài năng và cảm nhận của mình là người sáng tác thứ hai, người nghe với cảm nhận riêng là lần sáng tác thứ ba.

nghệ sĩ guitar nguyễn quang bình

Vì thế, trong đêm nhạc, ông đã giới thiệu một phong cách phi truyền thống. Ông bày tỏ: “Giữa hữu lễ và vô lễ, chúng tôi chọn con đường phi lễ, phi quy ước, tôn trọng truyền thống nhưng không cố chấp vào truyền thống. Quan niệm truyền thống cho rằng nhạc cổ điển không được sửa dù là một dấu phẩy. Nhưng thực tế, những nghệ sĩ hàng đầu lần biểu diễn nào cũng có sự biến đổi tác phẩm nhất định”.

Sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả để cho ra một tác phẩm mới có thể có giới hạn về thời gian và đề tài. Tác phẩm coi như kết thúc khi có sự đồng cảm hoặc tôn trọng sự dị biệt, mỗi người cảm nhận tác phẩm theo cách riêng thì coi như (chương trình) đã đạt được kết quả mong muốn.

Ngay trong sự không đồng ý với nhau, mọi người cũng đã biết thêm những điều mới mẻ và khác biệt. Vì vậy, nếu thành công, kết quả của đêm diễn hẳn sẽ cho ra nhiều phiên bản khác nhau trên cùng một tác phẩm.

Chính vì nỗi lo thính giả Việt hẳn là quen ngồi xem trình diễn âm nhạc một cách thụ động nên trong workshop lần này, ông khởi đi từ những tác phẩm phổ thông nhất, như bài Romance ai cũng biết dù là người không chơi nhạc cổ điển. Thậm chí, ông sẵn sàng đánh Như cánh vạc bay của Trịnh Công Sơn với nhiều cách diễn tả khác nhau để kéo mọi người vào không gian của nhạc không lời.

nghệ sĩ guitar nguyễn quang bình

Nhìn một nghệ sĩ ở tuổi 56 như ông dấn thân vào cách thực hành nghệ thuật mới mẻ thấy thật lạ, bởi người ta quen nghĩ nhu cầu phá cách thường chỉ có ở người trẻ. Nhưng rất ôn tồn, ông vừa cười vừa nói: “Thật ra trong lĩnh vực làm nghệ thuật, chúng tôi không đặt vấn đề tuổi tác. Năm 1985, tôi có gặp ông Văn Cao và ngồi nhậu lai rai ở nhà ông trên phố Yết Kiêu. Bởi thấy ông già nên tôi gọi ông là “chú”, nhưng ông dạy tôi điều này: trong văn nghệ đừng có chú cháu, mà chỉ có lớp đàn anh đi trước và lớp đàn em đi sau”. 

Nguồn: www.pianominhthanh.com/suoi-nhac/

     

CÔNG TY TNHH TM MINH THANH P.I.A.N.O
GPKD số: 0303233525 do Sở KH & ĐT TPHCM cấp lần đầu ngày 08/04/2004
Địa chỉ: 369 Điện Biên Phủ, Phường 4, Quận 3, TPHCM
CN 1: 779 Cách Mạng Tháng 8, P.6, Q. Tân Bình, TPHCM
CN 2: 1129b Trần Phú, P. Lộc Tiến, Tp. Bảo Lộc, Tỉnh Lâm Đồng 
 
 
 
Chấp nhận thanh toán
visabaokimmastercardnganluong