Danh mục sản phẩm |
0 |
Giỏ hàng |
Đối với các nghệ sĩ thì chuyện đi biểu diễn văn nghệ ở Trường Sa, Hoàng Sa không còn xa lạ gì nữa cũng như cầu truyền hình nối đất liền với đảo xa được thực hiện từ rất nhiều năm nay.
Nhưng chuyến đi làm cầu truyền hình Hát từ Trường Sa – Song Tử Tây thân yêu vừa qua của đài truyền hình TP.HCM (HTV) được xem là một chuyến đi rất đặc biệt.
Cả đoàn hùng hậu với 40 nghệ sĩ gồm cả ca sĩ, nghệ sĩ hài, nghệ sĩ cải lương, nghệ sĩ múa, nhạc công… Đó là chưa kể một lực lượng tinh nhuệ gồm đạo diễn truyền hình, biên tập viên, phóng viên, MC, kỹ thuật viên (âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu…) đến gần 70 người, mang theo cả những thiết bị đặc chủng: camera quay trên không (flycam), camera quay di động chống rung (steddycam).
Chuyếc tàu HQ996 đầy khẳm hơn 32 tấn thiết bị truyền hình. Các anh bộ đội Song Tử Tây phải quần quật hơn một buổi mới mang hết đống thiết bị từ tàu lớn sang tàu nhỏ rồi đưa lên đảo. Đối với hải quân, mỗi chuyến đi Trường Sa là một cuộc hành quân.Trong đoàn hôm ấy còn mang theo một nghệ sĩ 78 tuổi (NSND Trần Hiếu) và sáu cháu bé (của Nhà Thiếu nhi quận 1 TP.HCM).
Nhưng có một thứ, có thể nói là đặc biệt nhất trên chuyến hành quân ấy, đó là cây đàn piano mới toanh hiệu K.Kawai. Lần đầu tiên một chương trình nghệ thuật ở đảo xa mang theo cả cây đàn piano, một nhạc cụ rất nặng nề và nhạy cảm. Lâu nay với các chương trình ở biển đảo, và ngay cả những vùng sâu vùng xa trên đất liền, nhà tổ chức chỉ mang theo những nhạc cụ gọn nhẹ, dã chiến.
Khi quyết định mang cây đàn piano mới toanh (trị giá 50.000USD) ra đảo, lãnh đạo HTV đã cân nhắc rất kỹ. Có nên đem piano đi hành quân, nhất là trong tình trạng sóng gió của biển, rất dễ làm cây đàn bị hư hỏng? “Tuy nhiên, với tinh thần vì Trường Sa thân yêu, chúng tôi quyết định mang piano ra đảo, và nếu có thể mang thêm thứ gì hay nữa chúng tôi vẫn sẵn sàng” – nhạc sĩ Phan Hồng Sơn, trưởng phòng ca nhạc HTV, cho biết.
Vậy là trong số thiết bị hơn 32 tấn lỉnh kỉnh trên chuyến tàu ra đảo hôm đó, cây đàn piano được lưu ý là thứ hàng đặc biệt, phải tránh nước biển và vận chuyển thật nhẹ tay. Thật tuyệt vời, sau hơn 300km hành quân từ Sài Gòn ra Cam Ranh và hơn 300 hải lý ra đảo Song Tử Tây, cây đàn piano vẫn nguyên vẹn. Tuyệt vời hơn nữa là hình ảnh cây đàn piano sang trọng nổi lên giữa biển trời Trường Sa, trong ánh hoàng hôn tím ngát…
“Đời em chưa bao giờ được đứng hát giữa một sân khấu lãng mạn và hoành tráng như thế này!” – ca sĩ Thụy Vân xúc động tâm sự. Và cô ca sĩ trẻ Sài Gòn với tà áo dài xanh tha thướt đứng vịn piano cất tiếng hát say sưa: “Chiều về Song Tử Tây, mênh mang tiếng chuông chùa…”. Thụy Vân nói những tấm ảnh trong buổi chiều hôm đó sẽ là dấu ấn đặc biệt nhất trong đời cô: “Không thể tin các anh lại có thể mang được cây đàn piano ra tận Trường Sa!”.
Các anh lính đảo xúm quanh sờ nắn từng phím đàn. Có anh còn soi mặt mình trong lớp sơn bóng loáng của thùng đàn để chải tóc rồi cười tít. Trung úy Nguyễn Hữu Tăng, 31 tuổi, quê Thanh Hóa, cười rạng rỡ và đề nghị nghệ sĩ Phan Hồng Quang “đánh cho chúng tôi hát một bài”: “Chúng tôi là lính đảo Trường Sa, và chúng tôi là lính Song Tử Tây…”.
Đêm diễn ra cầu truyền hình, cây đàn piano được đặt trên sân khấu bên cạnh cột mốc chủ quyền đảo Song Tử Tây. Một hình ảnh thật ấn tượng! Giữa chương trình, trời đổ mưa, cây đàn ướt sũng nước. Phan Hồng Quang vừa đánh đàn vừa dùng tay gạt nước mưa đọng vũng trên nắp đàn. Cuối buổi thì trời tạnh. Quang lại hối hả dùng khăn khô “cấp cứu” cây đàn. Tôi e ngại cây đàn sẽ bị hỏng, nhưng Quang cười tươi: “Chấp nhận hư hại một chút, nhưng vì Trường Sa có gì phải ngại. Về đến Sài Gòn sẽ thuê người tút lại thôi”.
Theo nguồn tin tuổi trẻ